Khi lướt Facebook, thỉnh thoảng các ba mẹ sẽ thấy con của bạn bè mình, dù mới chỉ 4-5 tuổi nhưng đã hát những bài hát hoặc đọc những bài thơ bằng tiếng Anh, và có bạn còn phát âm rất chuẩn nữa. Vậy những đứa trẻ này bắt đầu học tiếng Anh từ khi nào nhỉ?
Hiện nay khi đời sống ngày càng được nâng cao, các gia đình có nhiều điều kiện hơn và quan tâm hơn đến giáo dục của con cái. Do đó giáo dục sớm là một chủ đề rất hot hiện nay trên các diễn đàn và các nhóm đồng hành cùng con trên mạng xã hội. Bên cạnh một số tranh cãi cho rằng học tiếng Anh sớm là tốn kém và không đem lại hiệu quả, phần lớn các mẹ ủng hộ quan điểm cho con học tiếng Anh từ sớm để giúp các con phát huy hế khả năng ngôn ngữ. Nhưng khi nào là sớm? Khi con vài tháng tuổi? Hay khi con vài ba tuổi? Đây là những câu hỏi thường gặp khi các ba mẹ lên kế hoạch cho quá trình học tập của các con.
Nghiên cứu của Babak Ghasemi và Masound Hashemi đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội và Hành vi (2011) chỉ ra rằng trẻ sẽ học ngôn ngữ từ lúc được sinh ra, và dần dần sẽ sử dụng thành thạo ngôn ngữ đó khi được 10 tuổi. Những đứa trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ sớm sẽ có phát âm gần như người bản xứ.
Một nghiên cứu khác của Ferjan Ramirez vào năm 2017 cho kết quả rằng trẻ nhỏ từ 7 tháng tuổi đã có khả năng học ngoại ngữ một cách vượt trội, kể cả khi chúng không được tiếp xúc với ngoại ngữ đó ở nhà.
Theo giáo sư Christine Moon và các cộng sự tại đại học Washington, Mỹ, trẻ có khả năng phân biệt các ngôn ngữ khác nhau từ tuần thứ 30 của thai kì.
Rất nhiều nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học và các nhà giáo dục đều đồng tình giai đoạn 0-5 tuổi là giai đoạn vàng để trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thứ 2. Ở giai đoạn này, trẻ thường học theo bản năng. Khả năng thẩm thấu ngôn ngữ của trẻ ở giai đoạn này được ví như một miếng bọt biển, có thể hấp thụ mọi ngôn ngữ. Khả năng này sẽ giảm dần theo thời gian. Nếu bỏ lỡ giai đoạn này, trẻ vẫn có thể học tiếng Anh, nhưng sẽ vất vả và mất nhiều thời gian hơn nhiều.
Vậy câu trả lời cho câu hỏi ban đầu là: càng sớm càng tốt!
Theo nghiên cứu của Babak Ghasemi và Masound Hashemi (2011), trẻ nhỏ học ngôn ngữ mới dễ dàng hơn vì những lí do sau:
Bộ não của trẻ nhỏ đặc biệt phù hợp để học ngôn ngữ mới. Nó phát triển để giúp trẻ học ngôn ngữ một cách tự nhiên và dễ dàng nhất.
Trẻ con dành toàn bộ thời gian của chúng để học một ngôn ngữ mới. Trong khi đó người lớn chỉ dành ra khoảng 30 phút một này để học mà thôi!
Động lực học ngôn ngữ của trẻ là vô cùng mãnh liệt. Đây là cách duy nhất để chúng giao tiếp với người khác. Với người lớn, họ đơn giản là chọn nói ngôn ngữ mẹ đẻ để giao tiếp.
Việc được tiếp xúc và làm quen với tiếng Anh sớm không chỉ mang lại những lợi ích trước mắt mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển về nhận thức của trẻ.
Hãy thử tưởng tượng rằng bạn đang đối mặt với một thử thách như sau. Bạn phải khám phá cấu trúc bên trong của một hệ thống bao gồm hàng ngàn đơn vị và cách gọi tên những đơn vị này. Những đơn vị này có thể kết hợp với nhau tạo thành vô vàn những tổ hợp. Mặc dù chỉ một phần của những tổ hợp này là đúng, nhưng bản thân những tổ hợp này lại có những cách sử dụng khác nhau trong những tình huống khác nhau.
Hệ thống này chính là ngôn ngữ. Mỗi đơn vị là một từ, cách đọc từ chính là phát âm, và những tổ hợp chính là các câu mà các từ tạo thành. Hệ thống này, phức tạp là vậy, nhưng hầu hết tất cả trẻ em đều có khả năng giải mã nó để giao tiếp. Và phần lớn các bé đều giải mã nó với niềm vui thích và không hề gặp bất kể trở ngại nào, và sử dụng thành thạo nó chỉ trong vòng vài năm đầu đời.
Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó có khả năng nghe và cảm nhận được tất cả mọi ngôn ngữ trên thế giới, nghĩa là khoảng 650 âm trong 6,500 ngôn ngữ. Tuy nhiên, không phải tất cả ngôn ngữ đều sử dụng 150 âm. Các âm có trong một ngôn ngữ được gọi là “âm vị”. Tiếng Anh chỉ có 44 âm vị mà thôi. Một số ngôn ngữ sử dụng nhiều hơn và một số sẽ sử dụng ít âm vị hơn.
Ở giai đoạn sơ sinh, trẻ sẽ phân biệt được âm vị nào thuộc về ngôn ngữ nào và âm vị nào thì không. Khả năng nhận biết và phát âm những âm vị này được gọi là nhận thức về âm vị – việc này rất quan trọng trong quá trình trẻ học một ngôn ngữ.
Hầu hết các nghiên cứu về não bộ của trẻ nhỏ đều có chung một kết quả: Những đứa trẻ học nhiều hơn 2 ngôn ngữ có khả năng tư duy tốt hơn những đứa trẻ chỉ biết tiếng mẹ đẻ. Những đứa trẻ học nhiều hơn 2 ngôn ngữ sẽ phát triển mạnh mẽ bán cầu não phải – phần phụ trách phát triển ngôn ngữ. Bán cầu não phải sẽ được luyện tập thường xuyên và gia tăng sự linh hoạt của hệ thần kinh, kích thích sự kết nối giữa các nơ-ron thần kinh. Do đó, trẻ có khả năng liên kết các sự vật, sự việc mình gặp tốt hơn, ghi nhớ nhanh hơn và lâu hơn.
Học ngoại ngữ từ sớm trẻ sẽ có cơ hội được giao tiếp, sử dụng tiếng Anh trong lớp học. Ở giai đoạn 0-6 tuổi, trẻ sẽ không thể học tiếng Anh theo hướng tiếp cận ngữ pháp truyền thống. Thay vào đó, trẻ học tiếng Anh qua các bài hát, bài thơ, bài vè, và câu chuyện (giống như cách mà GrapeSEED tiếp cận). Cách học này cho phép trẻ có cơ hội được vừa học vừa chơi, vừa giao tiếp với giáo viên và các bạn trên lớp. Với các tiếp cận này trẻ sẽ dần dần trở nên tự tin trong giao tiếp, thậm chí với những bạn lúc đầu rất nhút nhát cũng mạnh dạn và tự tin hơn nhiều.
Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và công nghệ, kiến thức và thông tin cũng được thay đổi từng ngày từng giờ. Những thông tin, kiến thức này thường được cập nhật bằng tiếng Anh – ngôn ngữ phố biến hàng đầu thế giới. Nếu các bạn trẻ không biết tiếng Anh, và phải đợi những thông tin kia được dịch sang tiếng Việt thì khi hiểu được và nắm được thông tin, chúng đã trở nên lỗi thời rồi. Do đó, việc biết càng nhiều ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trẻ sẽ có nhiều cơ hội học tập, khám phá tri thức, và cập nhật những thông tin, kiến thức mới nhất.
Khi đã hiểu được tầm quan trọng của việc làm quen và học tiếng Anh từ sớm, các ba mẹ sẽ nghĩ đến việc dạy con như thế nào? Làm thế nào để trẻ có trải nghiệm học tiếng Anh tốt, nuôi dưỡng niềm yêu thích tiếng Anh cho trẻ?
Khi học tiếng Anh, hoặc bất kì một ngôn ngữ mới nào, trẻ sẽ cần có thời gian để tiếp nhận ngôn ngữ đó. Trong khoảng thời gian này trẻ sẽ lắng nghe và cố gắng hiểu ngôn ngữ đó – đây được gọi là khoảng thời gian im lặng “silent period”. Khoảng thời gian im lặng của mỗi đứa trẻ là khác nhau, tùy thuộc vào sự phát triển và nhận thức của từng bạn. Có bạn chỉ mất một vài tuần, nhưng có những bạn sẽ mất một vài tháng, trường hợp cá biệt có thể là cả năm. Điều này cũng giống như khi các con học tiếng mẹ đẻ – tiếng Việt. Có bạn 2 tuổi đã nói nhưng có bạn phải đến 3 tuổi mới bắt đầu bập bẹ.
Hiểu được điều này, các ba mẹ hãy bình tĩnh đồng hành cùng con, khuyến khích con học tiếng Anh, hỗ trợ các con nhiều hơn bằng cách cho các con có nhiều thời gian tiếp xúc với tiếng Anh. Ví dụ, các ba mẹ có thể cho con nghe audio hoặc xem video bằng tiếng Anh ở nhà. Nếu có thể, ba mẹ hay tương tác, hỏi các câu hỏi và chơi các trò chơi bằng tiếng Anh với con.
Hãy chú ý đừng hỏi con hôm nay học được gì, con được mấy điểm. Điều này mô hình chung sẽ trở thành gánh nặng đối với những bạn đang ở trong khoảng thời gian im lặng. Đơn giản chỉ vì con chưa sẵn sàng để trả lời những câu hỏi đó. Hãy cho con thời gian và đồng hành cùng con trên con đường phát triển ngôn ngữ này.
Các ba mẹ có thể tham khảo thêm nhiều tips hơn ở những podcast sau:
Uống Trà Cùng GrapeSEED – Gợi ý giúp học sinh tương tác tiếng Anh tại nhà.
Uống Trà Cùng GrapeSEED – Hướng dẫn ba mẹ cách giúp trẻ khi con ngại giao tiếp.
Như đã nói ở trên, trẻ nhỏ dưới 6 tuổi không thể học ngôn ngữ qua các công thức ngữ pháp, hay học thuộc từ mới. Các bé chưa thể viết, chưa thể ghi chép những kiến thức mới. Vậy làm thế nào để dạy tiếng Anh cho trẻ?
GrapeSEED – chương trình tiếng Anh dành cho trẻ từ 4-12 tuổi là một trong những lựa chọn hàng đầu được tin tưởng bởi hàng ngàn phụ huynh Việt Nam. Cách tiếp cận của GrapeSEED là giúp các con học tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Nghĩa là trẻ sẽ được học nghe – nói, hiểu ý nghĩa của các cụm diễn đạt trước, sau đó trẻ mới dần dần học ghép vần tiếng Anh, học đọc, và học viết. Các ba mẹ có thể tìm hiểu thêm thông tin về GrapeSEED ở đây.
Tác giả: Rosaline Hoàng - Thạc sĩ TESOL.
Tài liệu tham khảo
Ghasemi, B., & Hashemi, M (2011). Foreign Language Learning During Childhood. World Conference on Educational Technology Researches – 2011, 28, 872-876. https://doi.org/10.1016/j.sbspro.2011.11.160
Ramirez, N.F., Kulh, P. (2017). Bilingual Baby: Foreign Language Intervention in Madrid’s Infant Education Centers. Mind, Brain, and Education, 11(3), 133-143. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/mbe.12144
Moon, C. (2012). Language experienced in utero affects vowel perception after birth: a two-country study. Acta Paediatrica, 102(2), 15-160. https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/apa.12098